Cập nhật lúc 06:52:36 13-09-2022 (GMT+7)

LỜI NÓI NHƯ LAI HOÀN TOÀN CHUYỂN PHÁP LUÂN CÓ HAY KHÔNG

Đối với những ai, khi tìm hiểu về Đức Phật không thể chỉ nghe qua những câu chuyện được ghi lại hay vì Ngài là đấng giáo chủ sáng lập ra đạo Phật mà tin theo. Những gì được nghe, được biết qua truyền thống, qua sách vở cần phải suy tư, phân tích, chọn lọc, thấy điều đó hợp với lẽ phải, hợp với chân lý hãy chấp nhận và sống với nó; bỡi lẽ, sau khi Phật nhập diệt, tư tưởng Phật giáo trải qua ba thời kỳ: Phật giáo Nguyên thuỷ, Phật giáo Bộ phái, Phật giáo Đại thừa.

Trong đó, thời kỳ Phật giáo bộ phái được xem như là thời kỳ trăm hoa đua nở, nhiều tư tưởng, nhiều quan điểm xuất hiện. Đức Phật được xem là đề tài tối quan trọng để hình thành những tư tưởng khác nhau của các bộ phái. Khi đứng nhiều góc độ khác nhau quan sát có nhiều luận điểm xoay quanh vấn đề Đức Phật của hai phái Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ như thân Phật “hữu lậu” hay “vô lậu”, Đức Phật là “người bình thường” hay là “bậc xuất thế”, lời nói Như Lai đều mang ý nghĩa Chuyển Pháp luân hay không?…. Có rất nhiều vấn đề bàn luận về Đức Phật, trong giới hạn nhất định chúng ta tìm hiểu về lời nói của Như Lai vì đây là công cụ ngôn ngữ duy nhất để giao tiếp, truyền bá chánh pháp khi Phật còn tại thế. Chúng ta bàn về vấn đề “Lời nói Như Lai hoàn toàn Chuyển Pháp luân Có hay Không làm nghiên cứu; trong đó khái quát về Đức Phật lịch sử, khái quát một số luận điểm về Như Lai của hai bộ phái và căn cứ vào các nguồn tư tưởng trong kinh tạng Nikaya, 4 bộ A-Hàm, bộ “Dị Tông luận” và một số tư liệu khác.

Đức Phật con người lịch sử
Nói đến Phật giáo Ấn độ là nói đến cả quá trình hình thành tư tưởng Phật giáo trải qua ba thời kỳ. Thời kỳ Phật giáo bộ phái là dấu mốc quan trọng, giải quyết, đáp ứng nhu cầu xã hội quan tâm do đó Tăng đoàn phân chia. Nguyên nhân phân chia bô phái, theo Nam truyền Phật giáo, tác phẩm “Katthavatthu” cho rằng, sau khi Phật nhập diệt 218 năm, dưới thời Vua Asoka, từ sự bất đồng “Thập sự phi pháp[1], đề xướng 10 điều luật Tỷ-kheo ở xứ Vajji là nguyên nhân phân hoá tăng đoàn; theo Phật giáo Bắc truyền, cụ thể Dị Bộ Tông luận cho rằng sau Phật diệt độ 100 năm, từ sự bất đồng “Ngũ sự Đại Thiên[2], phản bác sự thần thánh hoá Đức Phật và đề cao quả vị A la hán tối thượng là nguyên nhân chính thức phân chia tăng đoàn. Như vậy, sau Phật Niết bàn hơn 100 năm Phật giáo phân hoá thành hai bộ phái Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ.

Mặc dù Phật giáo phân chia thành hai bộ phái chính nhưng giữa hai bộ phái có duy nhất một Đức Phật con người lịch sử có thật. Đức Phật lịch sử là người sinh ra có cha mẹ, lớn lên xuất gia, thành đạo, Chuyển pháp luân và Niết bàn. “Này Hiền giả, Thế Tôn thuộc chủng tánh Sát đế lỵ, thuộc gia tộc Sát đế lỵ…Phụ Vương của Thế Tôn tên là Suddhodana, Mẫu hậu là Maya, kinh đô là Kapilavatthu…Thế Tôn xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này và chuyển pháp luân như thế này[3]. Đức Phật là Thái tử Cồ Đàm–Tất-đạt-đa sinh ra ở Kapilavatthu, đầy đủ huyết thống, dòng dõi quý tộc. Khi lớn lên, Ngài thấy chúng sanh bị sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, ưu, não… chi phối, đè nặng lên kiếp sống con người. Đứng trước nổi khổ đau của nhân sinh lòng đầy thao thức, trăn trở, Ngài quyết định từ bỏ vương vị, tìm cầu chân lý, con đường an tịnh tối thượng cho mình và mọi người. Hình ảnh Thế Tôn hiện lên trong thân thể một con người tràn đầy sự sống, niềm tin, ý chí và quyết tâm: “Khi Ta còn trẻ, niên thiếu, tóc đen nhánh, đầy đủ huyết khí của tuổi thanh xuân, trong thời vàng son cuộc đời, mặc dầu cha mẹ không bằng lòng, nước mắt đầy mặt, than khóc, Ta cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình[4]. Trong lúc còn đang tuổi thanh xuân, Ngài tự xuất gia tìm tới các vị Đạo Sư như Alara Kalama, Uddaka, tham cầu học đạo tu những pháp môn các vị thầy đã hướng dẫn. Chẳng bao lâu Ngài thông suốt hết thảy pháp các vị thầy trao truyền nhưng không đáp ứng được nguyện vọng cuả mình, sau đó Ngài tu theo truyền thống khổ hạnh ngàn xưa với 5 anh em Kondanna, cuối cùng Ngài tự mình thực hành thiền định và chứng ngộ chân lý, trở thành Phật- bậc giác ngộ với danh hiệu “Thích Ca Mâu Ni”. “Ta không có Đạo sư, Bậc như Ta không có, giữa thế giới Nhơn, Thiên, không có ai bằng Ta. Bậc Ứng Cúng trên đời, bậc Đạo sư vô thượng, tự mình Chánh Đẳng giác, Ta an tịnh, thanh thoát, để chuyển bánh xe pháp[5]. Đức Phật tự mình chứng ngộ bằng thiền định, tinh thần lực, trí tuệ. Ngài tuệ tri biết sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, chân lý cần được phổ khắp để cứu khổ, độ sanh. Sau khi thành đạo, đức Phật du hoá nhân gian suốt 45 năm.

Đức Phật con người lịch sử được thể hiện qua hình ảnh thoát tục trong chiếc y gắn liền với cuộc đời Ngài: “Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng ấy, đắp y đem theo y bát vào Vesali để khất thực[6]. Với chiếc y hoại sắc, tay ôm bình bát khất thực, đi du hoá xa ngàn dặm cho tới cuối cuộc đời 80 tuổi, một nhân cách Phạm hạnh thật đơn sơ, giản dị, mộc mạc, an lành. Hình ảnh này đã đi vào lịch sử, mọi tầng lớp trong xã hội Ấn Độ, trên từ quốc vương đại thần, công thương nhân sỹ, cho đến giai cấp nô lệ đều kính ngưỡng Ngài. Rồi Thế Tôn, với tấm thân ngủ uẩn chịu sự chi phối quy luật vô thường cuả thế gian, ngài tự quán sát rằng chính Ngài cũng già, cũng bệnh, cũng chết. Ngài cũng không sao giử được tuổi trẻ, sự biến hoại các căn đang dần tàn phá sức khoẻ, tuổi già làm phai nhạt sắc diện màu da, hình bóng khả ý nay đâu còn: “Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn[7]. Tuổi già theo sau đó là bệnh tật, bản thân Ngài cũng đau bệnh trong kiếp sống người: “Trong khi Thế Tôn an cư mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, những cảm thọ khốc liệt gần như chết tiếp diễn[8]. Thế Tôn trải qua sanh, lão, bệnh, tất cả những tâm thái, cung bậc hỷ, nộ, ái, ố… của cuộc đời cho tới khi xả bỏ tấm thân ngủ uẩn nhưng Ngài vượt qua các cảm thọ, không than vãn, không khó chịu. Không ai tránh khỏi quy luật tự nhiên, tất cả bị phá sập, “tất cả các hành là vô thường”[9]Rồi Thế Tôn đến lúc nhập Niết Bàn: “Ta đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến 80 tuổi[10]. Thế Tôn nhập Niết bàn tại Kushinagar một trong tứ động tâm Thánh tích Phật giáo ngày nay. Ngài để lại kho tàng đạo lý trong Nikaya và 4 bộ A hàm. Cũng như các tôn giáo khác, giáo pháp của Ngài có người theo học, tu tập và chứng ngộ. Tăng đoàn và những vị Thánh đệ tử là những minh chứng về cuộc đời và sự nghiệp của Ngài.
Cuộc sống thường nhựt và cuộc đời của Đức Phật như thế đó. Lâu nay, chúng ta nghĩ rằng Đức Phật là con người huyền thoại, siêu việt, có thần thông biến hoá, pháp lực bất tư nghì. Theo ngài Vu Lăng Ba: “Nếu chúng ta quan sát một cách cẩn thận tỉ mỉ sẽ phát hiện quan điểm này, Đức Phật không chỉ có một, mà tới hai[11]. Người viết đồng ý quan điểm này, thật vậy, một vị Phật ở thế gian là con người mà thành đạo và một vị Phật ở trên trời cao do Đại chúng bộ và Đại thừa mô tả thần thánh hoá giống như đấng Thượng đế siêu nhiên. Tuy nhiên, Đức Phật mang ý nghĩa siêu thế gian này cũng là Đức Phật lịch sử, là con người bình thường để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh mà hình ảnh Phật không còn nguyên vẹn như chính Ngài vốn có - Đức Phật bằng xương, bằng thịt, có thật trong lịch sử.

Lời nói Như Lai từ kinh nghiệm tu chứng ngộ của tự thân
Đức Phật luôn đứng trên vị trí con người để hành xử, chuyển hoá chúng sinh. Trong những hành động, suy nghĩ, lời nói Ngài sống trong chánh niệm, tỉnh thức. Khi thuyết pháp, Ngài đều quán sát, phân tích thính giả và nói những chân lý từ kinh nghiệm tu chứng bản thân mình:
Nếu có người nào dựa vào một tín tâm mà bảo là ly dục giải thoát, thì điều này không đúng. Đoạn tận tham, nhuế, si, đó mới là chân thật ly dục giải thoát. Nếu có người nào lại chỉ dựa vào một ít việc trì giới mà bảo rằng ta được lìa nhuế giải thoát, thì điều này cũng không đúng. Nếu có người nào lại chỉ dựa vào sự tu tập để có lợi dưỡng mà bảo là đã viễn ly giải thoát, thì điều này cũng không đúng. Đoạn tân tham, nhuế, si, đó mới gọi là chân thật giải thoát[12]. Bằng tuệ giác, Đức Phật thấy nếu chỉ dựa vào một ít tín tâm, trì giới, tu tập mà cho là ly dục, giải thoát thì Ngài không đồng ý. Ngài hiểu rõ ngũ dục thế gian trói buộc con người, trong “Kinh Ví Dụ Con Rắn” ngài ví các dục như đầu rắn, như miếng thịt, như khúc xương, như bó đuốc cỏ khô, như gậy nhọn. Các dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều và “những ai thọ dụng chúng, tự đủ bị chướng ngại”[13]. Nếu ai hưởng thọ, tham đắm vào ngũ dục, sự nguy hiểm luôn kề bên người đó khó lòng đi trên con đường Phạm hạnh nên đức Phật luôn kêu gọi, sách tấn tứ chúng tu tập giới, định, tuệ đoạn tận tham, nhuế, si xuất ly khỏi dục. Nếu dựa vào tu tập chỉ để có lợi dưỡng, Đức Phật không tán thán vì không đạt được mục đích giải thoát, không có kinh nghiệm tu chứng tâm linh, không thể nói pháp cho chúng sanh.
Khi tầm sư học đạo với những vị đạo sư khổ hạnh, đức Phật sau đó tự tu tập trải qua những gì khổ hạnh nhất, khắc khổ nhất. Ngài mô tả sự tu khổ hạnh như sau: “Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo. Vì Ta ăn quá ít, bàn trôn của Ta trở thành như móng chân con lạc đà. Vì Ta ăn quá ít, các xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh. Vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột nhà sàn hư nát..”[14]

Đức Phật không từ chối tu một pháp môn nào nếu chưa tìm ra chân lý: “Ta khổ hạnh đệ nhất; về bần uế, Ta bần uế đệ nhất; về yểm ly, Ta yểm ly đệ nhất; về độc cư, Ta độc cư đệ nhất”[15]. Thế Tôn nhận ra rằng: “Ta tu khổ hạnh như thế sáu năm rồi mà không tìm được giải thoát; thế mới biết đây không phải là phương pháp tu chân chính, chi bằng Ta trở lại cách trước khi Ta ngồi dưới bóng cây Diêm –phù suy nghĩ cách xa lìa năm dục, tìm sự vắng lặng, đó là phương pháp đúng nhất[16], chỉ có con đường trung đạo mới làm tinh thần minh mẫn, thể xác khoẻ mạnh mới thoát khỏi khổ đau. Sáu năm tu khổ hạnh của Đức Phật là bài học về thân và tâm đối với ai đang tu, định hướng tu khổ hạnh phải tránh xa.

Hưởng thọ dục lạc và khổ hạnh ép xác như dây đàn căng quá cũng đứt, chùn quá thì không phát thành tiếng, không thể đưa đến giải thoát. Đức Phật từ bỏ tu khổ hạnh, thiền định suốt 49 ngày, sau đó vào nữa đêm khi sao mai vừa mới mọc Ngài chứng tam minh và thành Phật; tìm ra chân lý Duyên khởi, Tam pháp ấn , Tứ thánh đế, Ngài dạy các vị đệ tử thẳng vào con đường giới, định, tuệ đạo lộ đưa đến giác ngộ. “Đây là Thế Tôn, bậc A la hán…, với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ, ..khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa. Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn trong sạch[17]. Phật do pháp chứng ngộ rồi chuyển pháp luân bằng tuệ giác, đầy đủ nhân cách, phạm hạnh trong sạch.

Như vậy, những gì Đức Phật giảng nói đều từ kinh nghiệm tu chứng của bản thân. Vì vậy, Ta thấy lời nói và việc làm của Ngài song hành với nhau: “Thế Tôn có giới, đại giới, lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói”[18]nghĩa là Ngài nói những lời chân thật, tuyên dương giáo pháp chân thật.

Lời nói Như Lai hoàn toàn Chuyển Pháp Luân Có hay Không?

Lời nói Như Lai là chuyển pháp luân?
Chuyển Pháp luân sự kiện trọng đại và tên bài kinh đầu tiên (Dhammacakkappa-Vattana sutta) hoá độ năm vị tu khổ hạnh Kondanna ở Benares, tại Isipatana, chỗ vườn Nai sau khi Đức Phật thành đạo:
Có hai cực đoan này, này các tỳ kheo, một người xuất gia không nên thực hành theo. Thế nào là hai? Một là  đắm say trong các dục, hạ liệt, đê tiện, phàm phu, không xứng đáng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau, không xứng bậc Thánh, không liên hệ đến mục đích. Tránh xa hai cực đoan này, này các tỳ- kheo, là con đường trung đạo, do Như Lai chánh giác, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết Bàn….Đây là Thánh đế về Khổ …Đây là Thánh đế về Khổ tập…Đây là Thánh đế về diệt…Đây là Thánh đế về Khổ đạo…”[19].

Thế Tôn vì họ nói pháp Tứ Thánh đế, sau khi nghe xong bài kinh chuyển pháp luân, Thế Tôn đã xác chứng cho tôn giả Kondanna vì ông đã khởi lên pháp nhãn thanh tịnh, không cấu uế: “Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna! Chắc chắn đã giác hiểu là Kondanna[20]. Nhân đó Ngài nói pháp Duyên khởi và cả 5 người bạn đồng tu Kondanana đều chứng Thánh quả. Chuyển pháp luân là việc thuyết pháp của Thế Tôn có thể bẻ gãy những suy nghĩ, hành động, lời nói bất thiện pháp, đầy lùi chướng ngại, khổ đau cho chúng sanh đưa họ qua bờ giải thoát. Lại nữa, chuyển pháp luân là Pháp Thế Tôn nói như bánh xe xoay chuyển, như bảo luân báu không dừng lại ở một người nào mà được truyền bá khắp nơi. Năm anh em Kondanna và Yasa với 54 người bạn là những người Thế Tôn truyền dạy đi vào thế gian lăn bánh xe pháp: ‘Này các tỳ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người[21]. Sáu mươi vị sứ giả đầu tiên cũng là những vị thánh tăng đầu tiên giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở thiên giới và nhân giới: “Có ai biết rằng những dấu chân vô danh đầu tiên này, là những dấu chân vĩ đại nhất trong lịch sử tôn giáo, tư tưởng, lịch sử văn hoá và văn minh của nhân loại”[22]. Từ bước chân này nối tiếp bước chân khác như ngọn đèn trí tuệ được được thắp từ người này sang người kia, giáo pháp của Đức Phật trường tồn cho tới hôm nay.

Theo người viết, Thượng Toạ Bộ và Đại chúng bộ đều xem Như Lai là bậc Đạo Sư cho nên cả hai đều chấp nhận việc chuyển pháp luân của Đức Phật. Đức Như Lai là bậc đạo sư vì: “Như Lai chỉ là người dẫn đường[23]cho chúng sanh đoạn trừ phiền não, khổ đau hướng đến an lac, hạnh phúc: “Ví như nước sông Hằng, và nước sông Diêm-ma, cả hai dòng sông đều chảy vào biển cả. Phật cũng vậy. Có thể khai thị con đường dẫn đến Niết Bàn, dẫn đến chổ hội nhập tịch diệt”[24]. Với vai trò là người thầy, người dẫn đường đến Niết bàn, là bậc lương y tuỳ bệnh cho thuốc, ý thức trách nhiệm này thật lớn lao trong việc giáo hoá chúng sanh nên những lời Thế Tôn nói ra chuẩn mực và mang tính giáo hoá hướng thượng cho đệ tử. Đức Phật “như người dựng đứng lại những gì bị quăng bỏ xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc[25].

Thật vậy, đối với những ai có niềm tin, có khả năng nghe hiểu lời của Ngài một cách chân chánh, đức Phật nói Thánh đạo Tám ngành, tu tập thiền định. Đức Phật dạy rằng: “Ngươi hãy thủ hộ thân và mạng thanh tịnh. Hãy thủ hộ miệng, ý và mạng thanh tịnh[26]. Giới được Đức Phật đề cao trong đời sống Phạm hạnh, chỉ có giới mới có công năng chế ngự tâm ý như người huấn luyện voi chế ngự tâm ý vui thích núi rừng của nó, dứt bỏ đời sống hoang dã của nó khiến nó vui thích nhân gian. Khi vị đệ tử đã thủ hộ thân mạng, ý thanh tịnh, giới thể thành tựu, Như Lai lại điều phục người ấy tu tập thiền Tứ Niệm Xứ quán thân trên thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp khiến họ tu tập Thánh giới tiến tới thành tựu thiền định và trí tuệ. Đức Phật là người có trí tuệ ca ngợi và chú trọng trí tuệ. Người có trí tuệ là người như lý tác ý, như thật tuệ tri hiểu biết đúng sự thật và chân lý nên Thế Tôn nói pháp cho người biết, cho người thấy: “Ta giảng sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết,  cho người không thấy[27].

Đối với những ai không có trí tuệ, nắm giữ pháp sai lạc, họ không quán sát lời nói, ý nghĩa những gì Thế Tôn giảng nói nên mọi điều trở nên không rõ ràng. Họ nghe, học các pháp chỉ muốn được lợi ích, muốn chỉ trích người khác, muốn biện luận nên không đạt mục tiêu, đưa đến khổ đau, bất hạnh lâu dài. Đức Phật nói những người này thiếu trí tuệ như bắt một con rắn nước mà cầm lấy lưng hay đuôi của nó để rồi “con rắn ấy có thể quay lại cắn người đó nơi tay, nơi cánh tay hay ở một phần nào khác của cơ thể và người đó có thể do nhân này mà bị chết hay bị đau khổ gần như chết[28]. Đức Phật nói chánh pháp nhưng người nghe không hiểu đúng, đây không phải là lỗi nơi Ngài. Lời nói Như Lai vẫn là chuyển pháp luân bỡi lẽ Đức Phật chuyển pháp luân tuỳ theo căn tánh chúng sanh:
“Ví như trong một hồ sen xanh, sen đỏ, sen trắng, có những cây sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, không vượt khỏi mặt nước, nhưng nở hoa tươi tốt dưới nước, lại có những cây sanh ra trong nước, lớn lên trong nước và vươn đến mặt nước, một số khác, sinh ra trong nước, lớn lên trong nước và vươn khỏi mặt nước, không bị nước làm ô nhiễm[29]. Cũng vậy, chúng sanh có người ít bụi trong mắt có người nhiều bụi; thiện căn, độn căn, dễ dạy và khó dạy; có trí tuệ và thiếu trí tuệ, Đức Phật đều nói pháp cho họ, tuỳ theo căn tánh mà lãnh ngộ giáo pháp khác nhau.
Theo người viết, lời Phật nói ra dù là bình thường, chỉ trích hay tán thán: “Ta sẽ nói hết lời chỉ trích này đến lời chỉ trích khác, hết lời tán thán này đến lời tán thán khác. Cái gì là lõi cây, cái ấy sẽ đứng vững tồn tại[30]. Lời nói đó như trận mưa lớn đổ xuống trần gian nắng hạn lâu ngày làm cho muôn vật đâm chồi nảy lộc, chúng sanh tẩy sạch bụi trần, cấu uế. Lời giảng nói của Như Lai không ngoài ý nghĩa và mục đích chuyển pháp luân, bỡi lẽ khi thực hành điều Ngài dạy vị ấy là người tối thượng điều phục, chế ngự tâm ý, có khả năng diệt trừ lậu hoặc, chuyển hoá tự thân “vị ấy bỏ đi sự tà vậy, sợ hãi, ngu si và siểm nịnh, thanh tịnh lắng đọng trần lao, không cấu nhiễm ô uế, xứng đáng tán thán, đáng thỉnh, đáng kính, đáng trọng, thật sự đáng được cúng dường[31]và rồi vị ấy thành tựu đạo quả, giác ngộ Niết bàn.

Trong sự nghiệp hoằng hoá, chuyển pháp luân Đức Phật hoá độ rất nhiều người trong xã hội như năm anh em Kiều Trần Như, thập đại đệ tử, Yasa, Subhadra, Maha Pajapati và 500 mệnh phu nhân, các vị công tôn vương tử trong dòng tộc Ngài  v..v. Có khi Đức Phật chuyển pháp luân cho những người ngoại đạo Bà-la-môn như ba anh em Ca Diếp, cho người rất tàn bạo, không có lòng từ mẫn nổi tiếng như Angulimala: “Anguliamala, ta đã đứng rồi, Với mọi chúng sanh, Ta bỏ trượng, kiếm, Còn ngươi hữu tình, không tự kiềm chế, Do vậy, Ta đứng, còn ngươi chưa đứng[32]. Khi nghe bài pháp kệ này, ông đã quăng bỏ kiếm, xin được xuất gia. Đức Phật chỉ nói pháp và hoá độ cho người có duyên với Ngài và đã thành công trong việc chuyển pháp luân, nhiều đệ tử chứng quả. Có thể khẳng định rằng, lời nói Thế Tôn là những lời giảng có lợi ích thiết thực hiện tại, có xu hướng mang đến hạnh phúc, giải thoát hoàn toàn: “Pháp do Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiều[33]. Lời nói Thế Tôn là chuyển pháp luân.

Như vậy, Đại chúng bộ chấp nhận việc giáo hoá, độ sanh của bậc Đạo Sư cũng đồng nghĩa chấp nhận lời nói Như Lai là chuyển pháp luân khi hoằng hoá chánh pháp: “Bồ tát sinh vào giòng Sát-đế-lợi, là thân tộc có uy thế lừng lẫy mà Bồ tát lại có thể lìa bỏ, coi như đàm dãi để mở môn cam lồ thành tựu bậc Chánh giác thì mọi người sẽ nghĩ đó là việc làm hy hữu nên kính trọng tin tưởng vào những điều Đức Phật giảng nói[34]. Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ đều tin tưởng và thực hành những giáo pháp quan trọng Đức Phật đã dạy như Tứ Thánh đế, Bát Thánh đạo, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tam pháp ấn, Duyên sinh, Nghiệp báo v.v…Tuy nhiên kinh tạng Đại chúng bộ về sau hệ thống hoá lại và có những phần khác so với Thượng toạ bộ.
Tất cả lời nói Như Lai không hoàn toàn chuyển pháp luân?
Sự khác nhau giữa Thượng toạ bộ và Đại chúng bộ thể hiện rõ khi Đức Phật được các bộ phái xem là trung tâm luận thuyết. Sự bất đồng về tôn nghĩa bắt đầu bằng vấn đề Phật thân. Lời nói Như Lai là một trong những luận điểm nổi bậc vì sự khác nhau về tư tưởng các bộ phái. Đại chúng bộ một mặt đồng ý “lời nói Như Lai là chuyển pháp luân” khi thuyết pháp, một mặt đưa ra luận thuyết: “Lời nói Như Lai toàn là chuyển pháp luân[35]. Theo phái này thì tất cả lời nói Như lai không ngoại trừ một lời nào đều chuyển pháp luân. Tất cả lời nói Phật đều giáo hoá, không có lời nói nào là bình thường. Tất cả những lời Phật nói đều nhằm điều phục, chế ngự tâm ý và thuần hoá chúng sanh. Lời Như Lai nói tất cả đều là chân lý. Những ai còn mê mờ, bị vô minh che lấp khi nghe Như Lai nói bất cứ điều gì đều có thể giác ngộ. Do quan điểm của Đại chúng bộ về Phật xuất thế, siêu việt, bất khả tư nghì, vượt lên trên nhân thế: “Thân của chư Như Lai toàn là siêu thế gian[36]cho nên Ngài nói ra lời nào cũng là giảng thuyết, đầy toàn năng và sức mạnh chuyển hoá người nghe. Với ý nghĩa này, Đức Phật vượt trên tất cả các vị thần: “Uy lực của Như Lai không có giới hạn[37], oai lực giác ngộ, thần lực của Phật khắp mười phương, có thể hướng đến mọi cảnh giới để hoá độ, mọi lời nói đều khai thị chúng sanh.

Lại nữa, phái này cho rằng Phật là đấng siêu thế cho nên những gì thuộc về ngài không có những thuộc tính thế tục: “Chư Như Lai không có pháp hữu lậu[38]. Nhãn, nhĩ, tỷ,thiệt, thân, ý, sắc , thanh…của Thế Tôn là pháp nên hoàn toàn vô lậu thanh tịnh, không bị ô nhiễm cho nên tất cả những lời Như Lai nói đều thanh tịnh, không còn hữu lậu nói gì cũng là nói pháp, nói gì đều chuyển pháp luân ngay cả lời nói bình thường như: “Trời mưa phải không?, Các ông có an ổn không? đều có ý nghĩa sâu xa nhằm đưa chúng sinh vào Đạo giải thoát[39].

Người viết không đồng ý quan điểm của Đại chúng bộ, bỡi lẽ phải khẳng định rằng Đức Phật là con người lịch sử, là con người nhân gian từ vị trí con người thành Phật, Ngài không phải là Bồ tát hoá thân vào thai mẹ như quan điểm của Đại chúng bộ: “Chư bồ tát khi vào thai mẹ thì bằng hình thức voi trắng”[40]. Đai chúng bộ thần thánh hoá, lý tưởng Đức Phật. Ngài từ con người giác ngộ biến thành một vị giống như Thượng đế, như vị tạo hoá có thần thông bất khả tư nghì… Voi trắng là loài voi hiếm và mang nhiều điều cát tường, thịnh vượng cho quốc gia. Từ một hài nhi đậu thai trong bụng mẹ ngài trở thành con voi trắng. Lại nũa: “Chư Bồ tát khi ra thai mẹ thì đều từ hông bên phải[41]và “Chư Như Lai không ngủ và không mộng mị[42]. Phái này cho rằng Đức Phật thọ sanh phải khác với người nhân gian, lọt lòng từ hông bên phải của mẹ. Lúc bấy giờ khoa học chưa phát triển, người mẹ chỉ sinh nở tự nhiên cho nên phái này dựng lên những hình tượng không thật có để nhân cách hoá Đức Phật. Trong “Kinh Vị Tằng Hữu”, bộ kinh Đại Chúng bộ căn cứ vào làm nền tảng tư tưởng diễn tả thần thánh hoá Đức Phật khi sinh ra như sau: “Khi Đức Thế Tôn vừa mới sinh ra, liền đi bảy bước không khiếp sợ, không kinh hãi, quan sát các phương[43].  Trong khi đó Đức Phật được sinh ra, lớn lên như bao người: “Ta sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. này Ba-la-môn, ta là Phật, hãy như vậy thọ trì[44]. Đức Phật khẳng định Ngài là con người nhân gian chỉ khác mọi người giữa giác và mê. Do giác nên Ngài thành Phật. Dù chứng ngộ thân thể vật lý vẫn chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên. Sau một ngày, các giác quan và thân tâm của Phật cũng cần được nghỉ ngơi, ngủ nghỉ như ngôi nhà trống không sau khi đóng tất cả các cửa lại để phục hồi và tăng thêm năng lượng cho một ngày mới: “Khi thức không lo âu, khi ngủ chẳng sợ hãi, Ngày đêm không khởi lên, Phiền não bận lòng Ta, Ta không thấy tai hại, Một chổ nào trên đời, Do vậy, Ta nằm nghỉ, Tâm từ thương chúng sanh[45]. Rõ ràng Đức Phật cũng như mọi ngươi trên thế gian. Sự ngủ nghỉ của Ngài trong chánh niệm tỉnh giác và Ngài không mộng mị, tri kiến không tồn tại liên tục[46]. Vì vậy Như Lai không ngủ và không mộng mị là điều vô lý với tấm thân ngủ uẩn còn chịu sự chi phối của quy luật vô thường, biến hoại, sự ảnh hưởng cơ chế sinh học. Đại chúng bộ lấy tư tưởng hoá làm căn bản giải thích đề cao Đức Phật cho nên tất cả những gì thuộc về Ngài đều siêu nhiên. Do đó, ngoài lời giảng nói trong khi chuyển pháp và “Lời nói nào Như Lai không biết như thật, không như chân, không tương ưng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy[47], những lời nói trong sinh hoạt hàng ngày, những lời nói thể hiện sự quan tâm tình thầy trò v.v..đã bị lý tưởng hoá, cường điệu hoá xem như Đức Phật đang thực hiện công việc chuyển pháp luân là điều không thể chấp nhận. Như vậy, tất cả lời nói Như Lai không hoàn toàn chuyển pháp luân.

Thượng toạ bộ cũng không chấp nhận quan điểm trên, họ đưa ra quan điểm khác với Đại chúng bộ: “Tám chi Thánh đạo là chuyển pháp luân, chứ không phải ngôn ngữ của Phật toàn là chuyển pháp luân[48]. Như đã trình bày, Thượng toạ bộ chấp nhận lời nói Như Lai là chuyển pháp luân khi hoằng hoá độ sanh. Người viết đồng ý quan điểm này của Thượng toạ bộ bỡi lẽ họ trung thành hình ảnh Đức Phật lịch sử với đôi chân trần, quấn tấm vải thô làm y, đi bộ khắp nơi để giáo hoá. Đức Phật trong Thượng toạ bộ là con người bằng xương bằng thịt, đã đoạn tận phiền não, lậu hoặc, cấu uế trong tâm mà thành Phật: “Chư Phật Thế Tôn đều xuất hiện ở nhân gian, không thành Phật tại Thiên thượng”[49]. Đây là thông điệp Phật thành Phật ở nhân gian, con người như chúng ta cũng thành Phật như Đức Phật. Ngài ở nhân gian cho nên chỉ có con người với nhau mới hiểu được nhau, hiểu được thế gian này khổ, hiểu hạnh phúc, an lạc thật sự là gì và tìm ra con đường diệt khổ. Công việc thuyết pháp độ sanh không phải dễ dàng, không phải lúc nào cũng nói pháp, cũng chuyển pháp luân, tuỳ vào thính chúng và đầy đủ nhân duyên Đức Phật mới hoá độ. Thế Tôn là người nói pháp có nhân có duyên, lời nói có căn cứ cụ thể để lý giải: “Thế Tôn biết khắp chứ không phải không biết; thấy khắp chứ không phải không thấy. Ngài nói pháp cho đệ tử có nhân chứ không phải không nhân, có duyên chứ không phải không duyên, có thể đáp chứ không phải không thể đáp, có xả ly chứ không phải không xả ly[50]. Đức Phật căn cứ vào bối cảnh, hoàn cảnh, đối tượng, căn tánh như thế nào mới thuyết pháp. Bài pháp mà Ngài thuyết giảng có nhiều cách diễn đạt chân lý khác nhau cho mỗi người, mỗi đạo tràng; do nhân này duyên này, hay do nhân này duyên kia mà nói thì tuỳ vào nhân duyên mà hiện hữu giá trị đạo lý; nếu nhân duyên không còn thì ý nghĩa cũng không còn nên cần xả bỏ. Ngài nói pháp có cơ sở căn cứ để còn giải đáp cho thính chúng. Khi thực hành, chúng ta liên hệ với lời Ngài dạy có giúp ích và liên hệ cho sự giác ngộ hay không. Đến đây, Đức Phật mới hoàn thành công việc chuyển pháp luân vì khi thực hành có kết quả, chánh pháp tiếp tục xoay chuyển như bánh xe truyền từ người này sang người khác. Do đó, khi nào cần nói pháp Đức Phật mới nói pháp, còn trong sinh hoạt hàng ngày, trong đạo lý thầy trò: “ Phật bảoNày A nan, ta đang khát. Ta muốn uống nước. Ngươi hãy đi lấy nước đem đến đây[51]v.v..; lời nói Ngài cũng bình dị thường nhật chỉ khác chúng sanh khi nói Ngài biết mình đang nói cho nên những lời nói đó không phải là một bài pháp để chuyển pháp luân. Vì lý do đó, người viết cũng không đồng quan điểm với Ngài Khuy cơ: “Mọi lời nói của Như Lai đều không sai trái với nơi chốn, thời điểm, hình thức và nội dung, vì chúng luôn thích ứng với khung cảnh không gian và thời gian, với người nghe và với Chánh pháp”[52]. Qua đó, người viết khẳng định lại rằng lời nói Như Lai không hoàn toàn chuyển pháp luân. Điều này cũng có nghĩa: “Phật cũng có ngôn ngữ không đúng nghĩa[53]. Tất cả lời nói Như Lai không là chân lý. Chân lý hiện hữu khắp nơi, có mặt trước đó, Như Lai chỉ là người tìm ra. Ai thấy được chân lý là thấy Duyên khởi: “Ai thấy được lý duyên khởi, người ấy thấy được pháp, ai thấy được pháp, người ấy thấy được lý duyên khởi”[54].
Phật dùng một âm thanh nói tất cả pháp ?
Một trong những quan điểm liên quan tới vấn đề thuyết pháp của Thế Tôn đó là ngôn ngữ Phật sử dụng. Đức Phật dùng một tiếng duy nhất để thuyết pháp hay dùng ngôn ngữ gì ? Ấn độ là nước đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, chịu ảnh hưởng văn hoá Aryan, tín ngưỡng Bà la môn nên các bộ phái nhìn nhận ngôn ngữ Phật sử dụng khác nhau.

Đại chúng bộ cho rằng: “Chư Như Lai dùng một âm thanh nói tất cả pháp[55]. Theo phái này “nhứt âm” chỉ cho ngôn ngữ Phật dùng nhưng Ngài chỉ sử dụng một âm thanh có thể hiển bày tất cả pháp. Người nghe dù không biết tiếng Phạm âm nhưng nhờ oai lực, uy thần, diệu dụng của Phật đều có thể hiểu chánh pháp. Chúng sanh tuỳ theo tự tánh mỗi người, tuỳ theo chủng tánh, chủng loại bằng nhiều cách hiểu khác nhau có thể chỉ duy nhất một âm mà hiểu các pháp. Đại chúng bộ cho rằng Phật siêu thế gian, thành tựu công đức từ vô lượng kiếp cho nên lời nói Ngài cũng siêu xuất có thể tự chuyển hoá phù hợp từng chủng tánh. Người viết không đồng ý quan điểm này vì Đức Phật là ở thế gian phải dùng ngôn ngữ loài người để nói pháp. Con người nhờ âm thanh, ngôn ngữ mới giao tiếp, học tập, làm việc, bất đồng ngôn ngữ gây trở ngại cho việc nhận thức luận và trao đổi thông tin. Đức Phật với trí tuệ của bậc đẳng giác có thể thông suốt mọi ngôn ngữ. Khi còn là Thái tử Ngài được học nhiều thứ tiếng, việc này đã giúp ích về sau cho việc Chuyển pháp luân.

Trái với quan điểm trên, Thượng toạ bộ cho rằng “nhứt âm” cũng chỉ cho ngôn ngữ của Phật nhưng Phật: “Không phải một âm thanh nói được tất cả pháp”. Theo phái này, Phật không dùng một ngôn ngữ nói tất cả pháp. Ý của Ngài không nên cố chấp lấy một loại ngôn ngữ làm tiêu chuẩn nên tuỳ thuộc vào từng trú xứ, từng quốc độ thuyết pháp theo tiếng nói của họ. Ngài được các học giả đánh giá là một “nhà ngôn ngữ kiệt xuất”khi trong sự nghiệp hoằng hoá chánh pháp, Đức Phật dùng nhiều ngôn ngữ địa phương để giáo hoá: “Phật giảng dạy các Thánh đế bằng ngôn ngữ thông dụng của từng địa phương. Với tín đồ Vương xá, Ngài nói tiếng nước Ma Kiệt Đà; với tín đồ Xá Vệ, Ngài nói tiếng Kiều Tát La; tín đồ ở Tỳ xá Ly, Ngài nói tiếng nước Bạt kỳ…Các thứ tiếng này được xem như những chủng loại sai khác của Thánh ngữ (Arya-vac)[56].

Ngoài ra, có nhiều cách giải thích khác nhau, có người cho rằng nhứt âm là “Phật thừa” không phải là một âm thanh, một ngôn ngữ. Theo Thế Hữu nói từ “nhứt âm” “không mang ý nghĩa ngôn ngữ mà mang ý nghĩa tư tưởng vì nó mô tả sự tương phản từ “ngũ âm” của Thượng toạ bộ[57]. Theo TT.Thích Hạnh Bình: “ nếu khái niệm 5 âm của Thượng toạ bộ chỉ cho tư tưởng thì khái niệm “một âm” của phái Đại chúng cũng chỉ cho tư tưởng- Nhất thừa hay Phật thừa, không phải chỉ cho ngôn ngữ[58]. Người viết đồng ý quan điểm này. “Theo người viết, “nhứt âm” không phải Phật thừa. “nhứt âm”chỉ cho tư tưởng, chỉ cho chân lý. Phật dùng một hay nhiều chân lý, từ chân lý này hiển lộ tất cả pháp. Pháp cũng là chân lý, từ một pháp có thể nói ra muôn pháp phù hợp với nguyên lý Duyên khởi: “Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh[59].

Như vậy, Phật không dùng một âm thanh nói tất cả pháp, Phật dùng nhiều ngôn ngữ địa phương để thuyết pháp. Một ngôn ngữ có thể hiển bày tất cả giáo lý như Ma kiệt đà, Kiều tát la v.v.. “Nhứt âm” là ngôn ngữ hay tư tưởng, chân lý do mỗi người nhìn nhận theo từng góc độ mà ý nghĩa khác nhau. Các nhà truyền giáo về sau vận dụng việc sử dụng địa phương ngữ để hoằng pháp như Đức Phật và rất thành công. Cao Hữu Đính nhận định: “Có thể nói rằng lục địa Á châu có bao nhiêu ngôn ngữ là thảy đều được các nhà truyền giáo Ấn tận dụng để dịch giáo điển Phật giáo”[60]Chánh pháp được trường tồn cho tới hôm nay cũng nhờ lưu giữ kinh điển bằng các ngôn ngữ khắp châu lục. Ngôn ngữ luôn sống mãi với chúng ta đó là ngôn ngữ của Đức Phật- lời dạy ngàn vàng của Như Lai.
Kết Luận
Niềm tin và trí tuệ phải luôn đi song hành. Người xuất gia phải có trí tuệ, thành tựu tuệ giác thấy đúng chân lý, đúng sự thật trong mỗi bối cảnh lịch sử. Chúng ta cần phải trở về với Phật giáo Nguyên thuỷ, tắm mình trong giáo pháp của Sakya Gotama và sống với nó cho tới khi giác ngộ như Ngài. Nhờ có sự kiện chuyển pháp luân, Đức Phật nói pháp mà chúng ta mới có cơ hội tu tập; căn cứ vào lời dạy của Ngài tư duy, xem xét, kiểm tra những suy nghĩ hành động lời nói bất thiện pháp gây đau khổ cho mình và tha nhân thì phải từ bỏ, đoạn diệt, diệt trừ các ác pháp tu tập thiện pháp chứng ngộ Niết bàn.

Tóm lại, Đại chúng bộ trước sau vẫn chủ trương Đức Phật là bậc xuất thế gian. Thượng toạ bộ trung thành, căn cứ thực tế con người thật của Phật là con người nhân gian, con người có thật trong lịch sử làm nền tảng tư tưởng. Tuy giáo nghĩa không khác nhiều so với Phật giáo Nguyên thuỷ nhưng nhìn chung Phật giáo Thượng toạ bộ giữ và duy trì những gì Đức Phật đã nói, đã làm. Lời nói Như Lai là chuyển pháp luân khi hoá độ chúng sanh. Tất cà lời nói Như Lai không hoàn toàn chuyển pháp luân. Phật dùng địa phương ngữ để nói pháp, Đức Phật con người nhân gian luôn tồn tại trong mỗi người. Nếu ai thấy pháp người đó thấy Phật. Thấy Phật quả là sự giác ngộ tối thượng. Ai thấy Đức Phật là con người lịch sử người đó có được viên châu trong búi tóc của Ngài thẳng tới đạo quả bồ đề.
Tác giả: Thích nữ Nhuận Anh 

[1]Thích Thanh Kiểm, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2014, tr.103-104.
[2]Thích Trí Quang (dịch), Dị Bộ Tông Luận, Nxb. TP.Hồ Chí Minh, 1995, tr.61.
[3]Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn, Viện NCPHVN, 2018, tr.261.
[4]Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Đại Tạng Kinh Nam Truyền Kinh Trung bộ 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr.214.
[5]Sđd, tr.222.
[6]HT.Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Viện NCPHVN, 2018, tr.299.
[7]HT.Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 5, Thiên Đại Phẩm- chương 4. Tương Ưng căn, Viện NCPHVN, 1991, tr.338.
[8]Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh Tập 5, Thiên Đại Phẩm- Chương 3.Tương Ưng Niệm Xứ, Viện NCPHVN, 2017, tr.566.
[9]Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, Nxb. Tôn giáo, 2012.
[10]Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ kinh, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Viện NCPHVN, 2018, tr.298.
[11]Vu Lăng Ba, Đức Phật Thích Ca trong Phật giáo Nguyên thuỷ, Thích Hạnh Bình dịch, Nxb. Hồng Đức, 2019, tr.19.
[12]Thích Tịnh Hạnh (dịch), Đại Tập 5-Bộ A-Hàm V- Trung A-Hàm Biệt Dịch & Kinh Tạp A Hàm số 1, Hội Văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc-Taiwai, 2000, tr.852.
[13]Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ, tập 1, Kinh Ví Dụ Con Rắn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.175.
[14]Thích Minh Châu, Kinh Trung bộ 1, Đại Kinh Sư Tử Hống, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.110.
[15]Sđd, tr.113.
[16]Thích Tịnh hạnh (dich), Đại Tập 12- Bộ Bản Duyên III, Kinh Nhân Qủa Trong Đời Qúa khứ và Hiện Tại, Hội văn Hoá Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc-Taiwai, 2000, tr.656.  
[17]Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, Kinh Veranjaka, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.357.
[18]Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-Hàm tập 2, Kinh Tiễn Mao, Nxb.Tôn giáo,2008, tr.526.
[19]Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 5, Đại Phẩm, VNCPHVN, 1991, tr.613.
[20]Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 5, Đại Phẩm, VNCPHVN, 1991, tr.616.
[21]Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 1, Thiên Có Kệ, VNCPHVN, 1991, tr.235.
[22]Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Đức Phật Sakya Gotama, Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2017, tr.58.
[23]Thích Hạnh Bình, Những Vấn Đề Cốt Lõi Trong Kinh Tạp A Hàm, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2018,tr.30.
[24]Phật Đà Da Xá Trúc Phật Niệm (dịch), Kinh Trường A Hàm tập 1, Kinh Điền Tôn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2007, tr.153.
[25]Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Đại Tạng Kinh Nam Truyền Kinh Trung bộ 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr.65.
[26]Thích Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A Hàm, số 198. Kinh Điều Ngự Địa, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, tr.424.
[27]Thích Minh Châu, Kinh Trung bộ 1, Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.25.
[28]Viện Nghiên cứu Phật học Việt nam, Đại tạng Kinh Nam Truyền Kinh Trung bộ 1, Kinh Ví dụ Con Rắn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr.177.
[29]Trần Phương lan, Buddhism Through English Reading, Book One, Lesson 5 The Brahma’s Appeal To The Buddha, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.70.
[30]Hoà thượng Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ 2. Kinh Đại Không, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr. 447.
[31]Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ 2, Kinh Đại Không, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.425.
[32]Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ, 86.Kinh Angulimala, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2012,tr.127.
[33]Thích Minh Châu (dịch), Kinh Tương Ưng 5, Thiên Đại Phẩm, VNCPHVN, 1991, tr.502.
[34]Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang và Cư Sĩ Nguyên Huệ (dịch), Luận Đại Tỳ Bà Sa, quyển 120Nxb. Hồng Đức, 2014, tr.27.
[35]Thích Trí Quang (dịch),  Dị Bộ Tông Luận, Nxb. TP.HCM, 2011, tr.90.
[36]Thích Trí Quang, Dị Bộ Tông Luận, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.90.
[37]Sđd. tr.91.
[38]Sđd, tr.90.
[39]Pháp Hiền (dịch), Các Bộ Phái Phật Giáo Tiểu Thừa, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.105.
[40]HT.Thích Trí Quang, Dị Bộ Tông Luận, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.93.
[41]Sđd, tr.93..
[42]Sđd, tr.91.
[43]Tam Tạng Tăng-Gìa-Đề-Bà, Tuệ Sỹ (dịch), Kinh Trung A-Hàm, Kinh Vị Tằng Hữu, Nxb. Tôn giáo, Hà Nôi, 2008, tr.255.
[44]Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi Bộ Kinh, tập 1, chương 4, Tuỳ Thuộc Thế Giới, VNCPHVN, 2017, tr.377.
[45]VNCPH VN, Kinh Tương Ưng tập 1, Thiên Có Kệ, chương IV, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.186.
[46]Thích Minh Châu (dịch), Kinh Trung Bộ 1, Kinh Ba Minh Vacchagotta số 71, Viện NCPHVN, 2016, tr.587.
[47]Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ 1, Kinh Vương Tử, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.484.
[48]Thích Trí Quang (dịch), Dị Bộ Tông Luận, Nxb. TP.Hồ Chí Minh, tr.125.
[49]Thích Hạnh Bình (dịch), Phật giáo Và Cuộc Sống, Nxb. Phương Đông, 2014, tr.33.
[50]Sa Môn Thích Tịnh Hạnh, Đại Tập 4- Bộ A Hàm IV-Kinh Trung A Hàm số 2, Kinh Tiễn Mao, Taiwai, 2000, tr.835.
[51]Thích Hạnh Bình, Những Vấn Đề Cốt Lõi Trong kinh Trường A- Hàm, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.72
[52]Andre Bareau, Các Bộ Phái Phật giáo Tiểu Thừa, Pháp Hiền (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà nội, tr.106.
[53]Thích Trí Quang, Dị Bộ Tông Luận, Nxb. TP.Hồ Chí Minh, 2011, tr.125.
[54]Thích Minh Châu, Kinh Trung Bộ 1, Đại Kinh Dụ Dấu Chân Voi, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012, tr.243.
[55]Thích Trí Quang, Dị Bộ Tông Luận, Nxb. TP.Hồ Chí Minh, 2011, tr.90.
[56]Cao Hữu Đính, Văn Học Sử Phật giáo, Nxb. Thuận Hoá, 1996, tr.35-36.
[57]Thích Hạnh Bình, Dịch Chú và Đối Chiếu Các Bản Khác Nhau về Dị Bộ Tông Luân Luận, Nxb. Phương Đông, 2016, tr.53.  
[58]Sđd, tr.53.
[59]Thích Minh Châu, Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Phật Tự Thuyết Hay, VNCPHVN, 1999, tr.116.
[60]Cao Hữu Đính, Văn Học Sử Phật giáo, Nxb. Thuận Hoá, 1996, tr.35-36.

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu