Cập nhật lúc 02:15:00 01-07-2021 (GMT+7)

LONG AN: TIỀM NĂNG DU LỊCH CÒN BỎ NGỎ THỜI HẬU COVID 19

Long An là một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ có địa hình tương đối bằng phẳng của vùng đồng bằng sông Mekong và là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, và có chung đường ranh giới với thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh Long An được coi như là một trong những điểm du lịch sinh thái trong quy hoạch phát triển du lịch miền Tây Nam Bộ của Việt Nam. Phụ lưu của hai con sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và hợp lưu là sông Vàm Cỏ với hệ thống kênh rạch phức tạp nên tỉnh Long An được xếp vào vùng đất ngập nước vì diện tích mặt nước của tỉnh chiếm ưu thế hơn diện tích đất.  
 

Về văn hóa Long An có nhiều di tích lịch sử từ cổ tới kim, nổi bật là văn hoá Óc-eo tại huyện Đức Hoà, đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức tại thành phố Tân An, Chùa Tôn Thạnh tại huyện Cần Giuộc và Nhà trăm cột tại huyện Cần Đước. Hiện tỉnh có khoảng 186 di tích lịch sử, có 16 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia và 63 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Còn về phong tục, tập quán Long An có các lễ hội như lễ Kỳ Yên, lễ cầu mưa, lễ tống phong với nhiều trò chơi dân gian như đua thuyền, kéo co, đánh vật, có khả năng thu hút được nhiều khách du lịch. Các nghề thủ công truyền thống của tỉnh như nghề chạm gỗ (Cần Đước, Bến Lức), nghề kim hoàn (Phước Vân), nghề đóng ghe (Cần Đước), nghề làm trống (Tân Trụ),...
 

Hiện nay, Long An có các địa điểm du lịch được thu hút như: Nhà cổ trăm cột, Cảng biển Tân Lập, Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười, Đất ngập nước láng sen, Khu du lịch sinh thái Cát Tường Phú Sinh, Khu phức hợp giải trí Khang Thông, điểm du lịch Phước Lộc Thọ, vườn thú Mỹ Quỳnh, khu sân golf tại xã Tân Mỹ (huyện Đức Hòa)…Vì vậy, tiềm năng phát triển du lịch bền vững của Long An là rất lớn. Việc phát triển du lịch tại Long An trong tương lai gần, nên nhu cầu nguồn nhân lực của những năm tới trong lĩnh vực này rất cao.
 
Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 1390/QĐ-UBND ngày 23/4/2013, với mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2020, du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng của Long An và Long An trở thành điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của thành phố Hồ Chí Minh ở vùng du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long với hình ảnh đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và thiên đường vui chơi giải trí. Và mục tiêu cụ thể vào năm 2020 du lịch tỉnh Long An sẽ đón 45 ngàn lượt khách quốc tế; 1,0 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ du lịch đạt 100 triệu USD; tỷ lệ đóng góp du lịch trong tổng GDP của tỉnh đạt 8,23%; tạo việc làm cho trên 15.000 lao động.
 

Những năm gần đây, rất nhiều thông tin về hoạt động du lịch của tỉnh Long An xuất hiện trên các báo địa phương, báo tỉnh, báo truyền thống, báo điện tử, đài truyền thanh trung ương… những thông tin về các sản phẩm du lịch mới, giới thiệu nhiều chương trình giảm giá nhằm mục đích thu hút du khách. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Long An hiện nay, toàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch là: Công ty Cổ phần Du lịch Long An, Công ty Cổ phần Du lịch Bông Sen, Công ty TNHH TMDL ATC, Công ty TNHH  MTV Dịch vụ lữ hành Hoa Sen, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Giáo dục Úc Châu và Công ty TNHH MTV DVDL An Long. Trong đó chỉ có hai công ty kinh doanh dịch vụ lữ hành Công ty TNHH  MTV Dịch vụ lữ hành Hoa Sen và Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist là hoạt động lữ hành trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hai công ty này chỉ thực hiện công việc điều hành tour và các tour trong tỉnh còn lại thì kinh doanh dịch vụ ẩm thực và lưu trú.
 

Với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, giao thương và phát triển du lịch như vậy mà tỉnh Long An vẫn chưa phát triển mạnh như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bạc Liêu và Tiền Giang? Tại sao tỉnh Long An có hơn 100 di tích lịch sử - văn hóa và trong đó là 21 di tích cấp quốc gia và 90 di tích cấp tỉnh, 5 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cùng với các lễ hội, các loại hình nghệ thuật và nghề truyền thống, và đặc biệt là vùng Ramsay thứ tám của thế giới tại khu tam giác Đồng Tháp Mười những vẫn không hấp dẫn du khách? Vì sao Long An có các tuyến quốc lộ nối liền với TP.HCM và các tỉnh của vùng hạ lưu sông Mekong, có đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia, có cửa khẩu quốc tế, quốc gia, có sơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy tương đối hoàn thiện nhưng vẫn chưa được nhiều người biết đến?
 
Theo Tổng cục Du lịch, đại dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành du lịch thế giới cũng như ngành du lịch Việt Nam mà trong đó có tỉnh Long An. Như vậy, trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì du lịch Long An như thế nào? Và sau đại dịch thì điều gì đang chờ ở phía trước? Điều đó phụ thuộc vào việc các yếu tố nào? Sản phẩm của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của lãnh đạo các ban ngành, chất lượng nghiệp vụ của từng cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ du lịch? Để trả lời cho những câu hỏi trên, đầu tiên cần phải giải quyết yếu tố con người sau đó mới đề cập đến tận dụng cơ hội sau Covid 19.
 

Đề cập đến yếu tố con người chính là đề cập đến chất lượng và phong cách phục vụ của các nguồn nhân lực tại địa phương. Nói đến chất lượng là nói đến kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ, nói đến phong cách là nói đến tư duy, hành vi và thái độ của người làm công tác dịch vụ du lịch dù cho ở bất kỳ trình độ lao động nào đi chăng nữa. Giả sử có một sản phẩm du lịch hoàn hảo cùng với các yếu tố về tài nguyên, hạ tầng, cơ sở vật chất... thì nhân viên chính là những người làm cho sản phẩm và dịch vụ của sản phẩm đó đạt được giá trị như mong đợi hay không. Tất cả đều do kỹ năng và nghiệp vụ của từng cá nhân trong hệ thống phục vụ đó và cũng chính họ là phương tiện để nâng cao giá trị cho sản phẩm mà doanh nghiệp tung ra.
 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia làm việc lâu trong ngành du lịch, họ đã khẳng định rằng vai trò của nguồn nhân lực là quan trọng nhất, bởi đây là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự tâm lý và sự hài lòng của du khách đối với điểm đến. Ngoài kiến thức, kỹ năng và nghiệp vụ là những yêu cầu cần có mà người làm du lịch còn phải thể hiện thông qua tư duy, hành vi và thái độ (sự thân thiện, tinh tế và chuyên nghiệp) dành cho du khách.
 
Xây dựng được những sản phẩm du lịch đặc trưng là vấn đề của doanh nghiệp, lãnh đạo ngành và du khách; làm cho du khách có ý định trở lại là vấn đề của người lao động và cộng đồng cư dân tại điểm đến của khu du lịch đó. Ngoài người lao động có nghiệp vụ trong ngành thì cộng đồng dân cư tại điểm đến cũng được coi như là những nhân tố góp phần phát triển du lịch tại địa phương và họ cũng là người được hưởng một phần lợi ích từ các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, để làm cho người dân tại đây nhận thức được tầm quan trọng của họ là một vấn đề nan giải cần có câu trả lời của những người có thẩm quyền. Cư dân địa phương chính là yếu tố căn bản nhất để xây dựng thương hiệu cũng như hình ảnh của điểm đến du lịch và tạo dựng lòng tin cho du khách. Cư dân địa phương mà chúng tôi nói đến bao gồm: nông dân, tiểu thương, nhân viên phục vụ tại các khu du lịch, cơ sở lưu trú, dịch vụ ẩm thực và các dịch vụ du lịch kèm theo…mà điều kiện tiên quyết là thay đổi tư duy, hành vi và thái độ của các đối tượng này. Thay đổi tư duy, hành vi và thái độ đồng nghĩa với thay đổi thói quen sống, phong cách sống sao cho phù hợp với văn minh nhân loại mà vẫn giữ được truyền thống văn hóa của cộng đồng cư dân bản địa tại đây. Bởi vì, những người không trực tiếp tham gia trong ngành du lịch cũng sẵn lòng giới thiệu về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán của địa phương cho du khách giống như một hướng dẫn viên bất đắc dĩ.


Để có được các cư dân như vậy, cần phải tạo điều kiện kinh tế, điều kiện học tập và chính sách bồi dưỡng miễn phí cho họ nhằm nâng cao tầm quan trọng của ngành công nghiệp không khói này. Đồng thời, phải giáo dục họ nhận thức được rằng, bảo vệ du khách cũng chính là bảo đảm nguồn thu nhập cho cuộc sống của chính họ và gia đình. Bên cạnh đó, chính quyền sở tại kết hợp với các doanh nghiệp dịch vụ phục vụ du lịch tại chỗ tạo ra hình ảnh thân thiện tại các cở sở lưu trú, các điểm đến du lịch sinh thái, các khu du lịch văn hóa cộng đồng thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ nhân lực cộng đồng ngoài ngành du lịch. Tuy nhiên, có một thực tế là bấy lâu nay, chính quyền, lãnh đạo ngành và doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại tỉnh Long An thường chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân viên nhiều hơn là đội ngũ nhân lực ngoài ngành này. Lãnh đạo quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch và những người chủ doanh nghiệp tại Long An làm về du lịch cần phải quan tâm hơn nữa về quản lý nguồn lực trong lĩnh vực du lịch như khả năng quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh nhằm mục đích đem lại lợi ích về kinh tế của tỉnh Long An. Hơn nữa, việc xây dựng các chính sách và tạo điều kiện cho việc quản lý, phát triển du lịch của tỉnh là một trong những công cụ giúp việc quản lý hiệu quả giúp du lịch phát triển.
 

Ngoài ra, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác du lịch là hỗ trợ cho các doanh nghiệp và chính quyền sở tại đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực cho cư dân địa phương tại điểm đến du lịch. Do đó, công việc đào tạo đội ngũ nhân lực làm công tác huấn luyện, hướng dẫn cho người dân địa phương tại cơ sở cần phải được quan tâm như một trong những nhân tố tiên quyết cho sự phát triển doanh nghiệp nói riêng và ngành du lịch của tỉnh Long An nói chung. Như vậy, yêu cầu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hướng tới tính chuyên nghiệp là một công việc hết sức quan trọng cần phải thiết kế và thực hiện ngay sau khi Chính phủ công bố đại dịch Covid 19 đã chấm dứt. Tính chuyên nghiệp chính là các chương trình đào tạo không những tại các cơ quan nhà nước thuộc ngành du lịch mà còn tại các cơ sở đào tạo dài hạn và ngắn hạn tại khu vực tỉnh Long An; các tổ chức này cần phải tìm cách tiếp cận kiến thức, kỹ năng, giá trị mới của nghề du lịch. Đồng thời, chính quyền Long An, cán bộ truyền thông và dạy nghề của ngành du lịch nên hướng dẫn cư dân sở tại rằng tính chuyên nghiệp còn thể hiện ở năng lực quản trị chất lượng sản phẩm du lịch và tạo được sức cạnh tranh đối với các tỉnh lân cận như bộ chương trình VTOS (tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam). Bởi vì, bộ chương trình đào tạo ngành du lịch VTOS tương thích với các tiêu chuẩn nghề quốc tế và tiêu chuẩn ASEAN (tiêu chuẩn năng lực chung về nghề du lịch trong ASEAN - ACCSTP) mà Bộ Văn hóa Du Lịch và Thể thao đã thẩm định và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn.
 




Tóm lại, nếu những vấn đề nêu trên được phối hợp xuyên suốt từ lãnh đạo ban ngành của tỉnh, các tổ chức du lịch doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các hộ gia đình, nhân viên cho đến cộng đồng dân cư tại địa phương thì ngành du lịch Long An thu hút du khách khắp mọi miền. Nếu như ngành du lịch tỉnh Long An quan tâm đến công tác phát triển nguồn nhân lực tại từng địa phương nhất là thay đổi tư duy và tầm nhìn của cư dân bản địa thì chắc chắn sẽ khai thác hết mọi tiềm năng còn bỏ ngõ của toàn tỉnh Long An và mùa Xuân đang trở lại sau đại dịch Covid 19./.

 ThS. Trần Thị Mỹ Tiên (*)- ThS. Nguyễn Thị Như Ý(**)
 (*),(**): Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An
 
 
Tài liệu tham khảo
1 Phan Thị Dang, Khảo sát mức độ hài lòng của du khách nội địa tại một số điểm du lịch sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 36-2015, trang 105-113.
2. Cao Mỹ Khanh và Nguyễn Đức Toàn, Khai thác di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương trong phát triển du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tạp chí khoa học Cần Thơ, Tạp chí khoa học Trường Đại học Cần Thơ, số 43-2016, trang 10-18.
3. https://vi.wikipedia.org/wiki/Long_An
4. https://www.longan.gov.vn/Lists/ThongTinGioiThieu/DispForm.aspx?ID=6
5. http://www.didulich.net/tin-tuc-su-kien/du-lich-long-an--tiem-nang-va-ky-vong-6570
6. http://www.sggp.org.vn/long-an-tang-toc-phat-trien-du-lich-545309.html 
 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu